Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

Hiểu biết cơ bản để xây nhà không bị “sự cố”


CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH.- Ngày 12-6, ô văng phía trước tầng 4 của một căn nhà đang xây tại khu quy hoạch Bình Phú, quận 6 -TPHCM bất ngờ đổ sụp trong lúc công nhân đang đổ bê tông làm chết một công nhân. Hơn một tháng trước đó, ngày 8-5, hai căn nhà 7 và 8 tầng tại ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, Hóc Môn đang trong giai đoạn hoàn tất cũng sụp đổ tan tành gây chấn động dư luận... Chất lượng các công trình xây dựng đang rất đáng lo ngại, nhất là dạng nhà ở đơn lẻ

Một số điều nên làm khi xây nhà
- Khi xây nhà lầu nên có thiết kế xây dựng đầy đủ. Vừa chủ động vật tư, thuận lợi cho đơn vị thi công, vừa dễ giám sát. Đối với các căn nhà từ 4 tầng trở lên nên thực hiện khoan địa chất. Khu vực nền đất yếu nên ép cọc bê tông thay cừ tràm.

- Thuê mướn nhà thầu có pháp nhân để được bảo hành, có điều kiện thuận lợi để giải quyết sự cố phát sinh nếu có. Hợp đồng cần chặt chẽ, chi tiết, trách nhiệm của các bên phải rõ ràng.

- Nếu chủ nhà không am hiểu về xây dựng nên thuê mướn kỹ sư xây dựng giám sát công trình. Với các công trình có giá trị lớn, nên có bước kiểm tra thiết kế để tránh trường hợp có thể sai sót.

- Không nên rút ngắn giai đoạn thi công vì nếu không đủ thời gian bảo dưỡng chất lượng bê tông, tường xây... sẽ không đảm bảo.
Trong bài viết này chúng tôi không bàn về nguyên nhân các vụ nhà bị sụp đổ mà chỉ đề cập đến một số vấn đề thực trạng xây dựng hiện đang gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình làm nhiều căn nhà mới xây đã bị rạn nứt, nghiêng lún, thậm chí sụp đổ hoặc nhẹ hơn, tuổi thọ công trình giảm nhằm cung cấp thêm một số thông tin để bạn đọc có thể tham khảo.


Làm ẩu, bỏ các công đoạn

Theo các nhà chuyên môn về xây dựng, có rất nhiều nguyên nhân làm cho công trình xây dựng kém chất lượng. Nhưng nổi cộm nhất là tình trạng làm ẩu, bỏ qua các công đoạn trong khâu khảo sát, thiết kế, thi công; sử dụng vật liệu xây dựng chất lượng kém.

Đối với các công trình nhà ở riêng lẻ hiện nay, chủ đầu tư (chủ nhà) thường thuê mướn các nhà thầu xây dựng bằng hình thức bao thầu trọn gói cả vật tư và thi công hoặc khoán gọn phần thi công. Để tiết kiệm chi phí (thường chiếm khoảng 3% giá trị công trình), hầu hết công trình đều bỏ qua giai đoạn khảo sát, thiết kế mà chỉ thực hiện việc thi công dựa trên kinh nghiệm của nhà thầu hoặc dựa trên một phác thảo đơn giản. Thạc sĩ Phạm Anh Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch Kinh doanh Công ty Kiểm định Xây dựng Sài Gòn, cho biết: Kinh nghiệm trong xây dựng là rất quý giá song nếu chỉ dựa trên kinh nghiệm thì khi gặp tình huống bất ngờ như nền đất quá yếu, gặp túi bùn, túi rác... dưới nền móng mà không khảo sát trước sẽ dễ gặp sự cố. Vì trong hệ thống móng, chỉ cần một vị trí lún không đều, chỉ lún vài phân là tường đã nứt xé, còn nếu lún nhiều hơn sẽ bị gãy nứt bê tông, nghiêng lún căn nhà.

Coi chừng thầu, thợ tay ngang

Về vấn đề thi công, do xây dựng đang là lĩnh vực “dễ ăn” nên hiện tượng “dân tay ngang” nhảy vào làm thầu xây dựng ngày càng nhiều. Công trình nhiều nên một nhà thầu cùng lúc nhận 5-7 công trình là thường. Và vì vậy đội ngũ thầy thợ phải san sẻ ra các công trình. Thiếu lao động đến đâu thì thuê đến đó. Người biết nhiều thì chỉ cho người biết ít, người chưa biết học lóm dăm ba ngày là nhào vô xây trát, đóng cốp-pha như thường. Cai đội (người trực tiếp điều hành công việc thi công) vốn đang thiếu trầm trọng nên cứ thế chạy từ công trình này sang công trình khác, không còn có điều kiện sâu sát để kịp thời xử lý các tình huống... Ông Nguyễn An Hòa, phường Bình Thuận, quận 7, người vừa xây xong căn nhà, tâm sự: “Chỉ khi nhà xây xong tôi mới yên tâm được phần nào. Còn hơn 6 tháng chứng kiến cảnh thợ thuyền xây trát cứ xây xẩm cả mặt mày”.

Do tình trạng sử dụng lao động thiếu tay nghề ngày càng nhiều nên tình trạng làm ẩu, làm sai... đang rất phổ biến. Một nhà chuyên môn về xây dựng cho biết chỉ ngó qua một công trình cũng thấy vô số lỗi kỹ thuật trong khi thi công có thể ảnh hưởng xấu đến chất lượng công trình như tình trạng thiếu sắt (sắt ít, không đúng kích cỡ, khoảng cách...), đặt thép sai (âm thành dương); gạch xây ngang một lèo suốt cả bức tường từ trên xuống dưới mà kết quả là tường sẽ bị gãy nứt về sau...

Ngoài việc thi công ẩu, không đúng kỹ thuật, nhiều nhà thầu hiện cũng rất dễ dãi chiều theo yêu cầu “phát sinh” của chủ công trình như xây thêm tường, cơi nới thêm lầu... bất chấp có đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hay không miễn là chủ nhà thỏa mãn, nhà thầu được tính thêm tiền phát sinh.

Nạn ăn chặn và sử dụng vật liệu kém chất lượng

Đây là vấn đề chủ nhà cần đặc biệt quan tâm, nhất là các trường hợp nhà thầu nhận bao trọn gói. “Mánh” phổ biến của các nhà thầu một mặt là ăn bớt khối lượng một số loại vật tư như sắt thép, xi măng; mặt khác (phổ biến hơn) là sử dụng vật tư rẻ tiền như thép tổ hợp; xi măng giả, thiếu; gạch, sơn loại rẻ tiền... với chủ trương mỗi loại “ăn” một ít kiểu “góp gió thành bão”, vừa được bộn tiền lại dễ qua mặt chủ nhà. Chẳng hạn, chỉ cần sử dụng sắt thép tổ hợp thay thế hàng của các nhà máy công nghiệp thì nhà thầu đã có thể ăn bớt 15 - 20% chi phí mua sắt thép.

Ông Phan Văn Chính, Phó Phòng Kỹ thuật Công ty Thép Miền Nam, cho biết: Quy trình sản xuất thép của các nhà máy công nghiệp rất nghiêm ngặt, từ khâu luyện đến khâu cán kéo để có mác thép riêng tương ứng với các thành phần hóa học thích hợp... Đối với thép tổ hợp, ngoài việc sử dụng nguyên liệu là sắt phế liệu phức tạp lại chỉ tôi luyện trong loại lò đơn giản với khối lượng chỉ 200 - 500 kg/lần, không có thiết bị kiểm soát thành phần chất lượng nên sản phẩm có nhiều tạp chất, chịu lực kém và không đều, nhanh rỉ sét, không đúng chuẩn (do thiếu thiết bị định chuẩn và chủ trương bớt xén nguyên liệu nhằm hạ giá thành)... Kết quả là... công trình lãnh đủ.

Các bài viết liên quan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét